Cái đẹp của cuộc sống và tình bạn


Tùy bút. Nhật Duật
Khi ta chiêm nghiệm cuộc sống, tôi thấy lí tưởng cao nhất của con người là đạt quan, sáng suốt tỉnh ngộ, nhờ vậy tư cách của họ mới được phần cao thượng, mà họ mới có thể tiến trên đường đời với một tinh thần phúng thích ôn hòa, mới có thể tránh được những dụ dỗ của danh lợi mà biết lạc thiên tri mệnh. Cũng nhờ tinh thần đạt quan đó, họ có một ý thức về tự do, biết yêu sự phóng lãng, sự nhàn tản, có cái ngạo cốt và một thái độ lãnh đạm. Phải có cái ý thức về tự do với cái lãnh đạm đó thì chúng ta mới hưởng thú ở đời một cách nhiệt liệt được. Sau khi được chứng kiến biết bao sự thay đổi về thời trang, về phong tục, luân lí, chính trị, tất phải thỏa mãn lắm, đứng dậy ra về mà khen rằng:” Vở tuồng hay quá” trong khi bức màn từ từ hạ xuống.
Tôi cho rằng về phương diện sinh lí, đời sống con người không khác chi một bài thơ. Nó có vần luật, tiết điệu, có những chu kì thịnh suy của nó. Mới đầu là tuổi nhỏ ngây thơ rồi tới tuổi xuân vụng về, rán thích ứng với xã hội, nhiều nhiệt tình, nhiều tham vọng, dại dột mà có lí tưởng; tiếp tới một tuổi hoạt động kịch liệt, rút được nhiều kinh nghiệm trong xã hội và về bản chất con người; tới tuổi trung niên, hoạt động giảm đi, tính tình dịu đi, như một trái cây đương chín hoặc một thứ rượu ngon đã hết nồng, đối với nhân sinh dần dần có một quan niện khoan dung hơn, ôn hòa hơn, nhưng cũng ngạo nghễ hơn,”bất chấp” hơn; rồi tới khi bắt đầu xế bóng, các hạch nội tiết hoạt động giảm đi, chúng ta mới thật là có được cái triết lí của tuổi già, cái tuổi hòa bình, ổn định, nhàn dật mà mãn nguyện; sau cùng, sinh mệnh tàn lụi và ta ngủ một giấc vĩnh viễn. Đáng lẽ, người ta phải nhận được cái đẹp của những nhịp điệu đó trong đời sống như nhận được cái đẹp trong những bản đại hòa tấu chứ; nhận được chủ đề, những chỗ gấp, chỗ khoan cùng chỗ hòa âm cuối cùng của nó. Sự tiến triễn của các chu kì trong một đời sống bình thường thì đại thể là như vậy ; nhưng bản nhạc của đời cũng do cá nhân diễn tấu nữa.
Khi nghiên cứu về khoa Tử Vi Đẩu Số, chúng ta sẽ thấy rằng, một người sinh ra đời vào giờ nào, tháng nào và năm nào thì cuộc đời của người này đã được an bài từ giây phút đó. Bởi vậy, chúng ta có thể nói, đời người mười hai bến nước, Thân cư bến nào thì cuộc đời của mình sẽ có sắc thái của bến mà thuyền đời mình đã buông neo. Con người từ khi bước chân vào đời ai cũng hăm hở, lạc quan và đầy lòng tự tin. Ở vào cái tuổi mà người ta gọi là “Tam Thập Nhị Lập” ít có ai nghĩ đến hai chữ “số mệnh”. Nhưng dần dần khi đã va chạm với cuộc sống, trải qua một vài lần thất bại đổ vỡ … thì lúc đó mới bắt đầu thấm mệt mới bắt đầu hiểu ý của Nguyễn Du, “có tài mà cậy chi tài” hoặc có phần khắt khe và hoàn toàn ràng buộc vào cái ý niệm “thiên mệnh” là “bởi số, chạy đâu cho khỏi số ?”
Thuyết nhân quả gieo nhân nào gặt quả nấy, nhiều câu truyện về nhân quả đeo đẳng nhiều đời chưa dứt, phải chăng là thuyết dậy lương thiện hay tu nhân tích đức. Ngày nay sự nhân quả còn sẩy ra nhãn tiền không xa nữa. Ta nghĩ rằng nếu làm nhiều việc tốt giúp đỡ được nhiều người thì sẽ gặp điều tốt lành ngay trong tư tưởng (cứu một mạng người như xây bẩy tòa tháp). Còn nếu làm điều xấu thì sẽ có nhiều đối địch mà họ trong bóng tối rình rập thì làm tư tưởng ta bất an, không biết hiểm họa sẽ đến lúc nào. Nhất là khi sức mạnh đối định lại là siêu hình ma quỷ thì sự quả báo lại càng khốc liệt. Nên cuộc sống là hướng thiện và hướng tới cái đẹp, cái chân thiện mỹ của cuộc sống.
Cái đẹp của đời sống là ở chỗ khi chúng ta xét lại kế hoạch cũ thì thấy rằng chỉ có một phần ba là thực hiện được, một phần ba nữa chưa hề động tới, còn một phần ba nữa thì quên khuấy đi... Theo tôi, một kế hoạch thực hiện được từ đầu tới cuối không còn thú vị gì nữa. Một tướng lãnh ra trận mà chắc mình sẽ thắng thì có thể chán mà rút quân về. Có ai chơi cờ nữa nếu biết rằng đối thủ của mình tính nước nào là đúng nước đó, không chạy đi đâu được.
Vấn đề quan trọng là: làm sao hưởng đời được và ai hưởng được đời hơn cả? Không truy cầu sự toàn thiện, không đeo đuổi những mục đích hão huyền, không tìm hiểu những cái không thể biết được; bản chất tầm thường của con người ra sao thì chịu nhận nó như vậy, rồi tự tổ chức lối sống ra sao để có thể yên ổn làm việc, nhận sự đau khổ với một tinh thần khoáng đạt và sung sướng ở đời.
Vì triết gia lí tưởng là người biết ngắm cái đẹp của phụ nữ mà không thô tục, yêu đời nhưng không quá độ, coi sự thành công và thất bại chỉ là hư ảo, có thể thoát li được nhân sinh mà không cừu thị nó. Vì ta đã đạt được sự điều hoà tâm linh đó nên không có một chút gì xung đột nội tâm, và đời sống của ta tự nhiên như thơ vậy.
Ở đời, ta có thể hưởng thụ được nhiều thứ lắm: Ta hưởng thụ cái bản thân của ta, hưởng thụ đời sống gia đình, hưởng thụ cây cỏ, hoa lá, mây ráng, dòng nước uốn khúc, ngọn thác cuồn cuộn, và thiên hình vạn trạng trong vũ trụ; ngoài ra ta còn hưởng thụ thi ca, nghệ thuật, trầm tư, tình bạn, đàm đạo, sách vở, những cái này đều là những hình thức cảm thông của tâm hồn. Có những lạc thú dễ thấy như một bữa ăn ngon, một buổi họp vui vẻ, một buổi đoàn tụ trong gia đình, một buổi dạo xuân; có những lạc thú không hiện rõ như thi ca, nghệ thuật, trầm tư.
Tôi cho mục đích chính đáng của sinh hoạt là sự hưởng thụ; có lẽ giả định đó có phần quá đáng chăng? Giản dị quá nhỉ? Vâng, vì nó như vậy đấy. Tôi còn do dự không muốn dùng tiếng “mục đích” vì tiếng đó hàm cái nghĩa bó buộc, gắng sức, mà hưởng thụ chỉ là một thái độ rất tự nhiên. Vấn đề mà mọi người đặt ra ở trên cõi đời này không phải là làm sao cố gắng đạt được mục đích của đời sống mà là làm gì trong cái khoảng đời người trung bình là năm, sáu chục năm này. Tổ chức đời sống đó ra sao để tìm được nhiều hạnh phúc; vấn đề đó rất thực tế chứ không có tính cách siêu hình học.
Tôi cũng mãn nguyện rằng được sống – có lẽ vài chục năm – rằng vạn vật tồn tại. Xét dưới gốc cạnh đó thì vấn đề hoá ra giản dị lạ lùng và chỉ có thể có một giải đáp. Mục đích đời là gì, nếu không phải là hưởng lạc? Nhiều người thường tưởng rằng chỉ hạng người giàu có mới sùng thượng đời sống thanh nhàn. Chính các văn nhân thi sĩ nghèo hèn, lao đao mới thường lựa đời sống đó.
Ba tật của người Mĩ là tăng hiệu năng, muốn đúng giờ và muốn thành công. Họ rất khổ, rất quạo quọ vì ba tật đó cướp mất của họ cái quyền nhàn tản, cái quyền hưởng một buổi chiều an nhàn, vui vẻ. Chúng ta phải quen với ý này đi: ở đời không có gì là tai hoạ cả và bên cạnh cái nghệ thuật làm việc còn có một nghệ thuật cao cả hơn nữa là chẳng làm gì cả.
Đứng về phương diện văn hóa và hạnh phúc, tôi cho rằng trong lịch sử nhân loại không có phát minh nào quan trọng nhiều ý nghĩa và trực tiếp giúp ta hưởng cái thú nhàn, thú đàm đạo, thú giao thiệp với bạn bè bằng sự phát minh ra thuốc hút, rượu và trà. Ba thứ đó có nhiều điểm chung: trước hết cả ba đều giúp cho sự xã giao của ta; lại không làm đầy bao tử như thức ăn nên có thể dùng ngoài bữa ăn được; sau cùng đều có hương vị để cho ta hưởng bằng khứu giác. Những con người đàng hoàng, chính trực và vô tình cảm, tầm thường đó làm sao biết hưởng cái thú hút thuốc?
Ta không thể viện một lí do xã hội, chính trị, luân lí, sinh lí hay tài chính nào để cấm ta đạt được tình trạng sảng khoái tinh thần đó, nó làm cho sức tưởng tượng của ta phong phú lên, năng lực của ta sung mãn và kích động mạnh lên để có thể hưởng hết cái thú đàm đạo với bạn thân ở bên bàn tiệc. Những lúc đó, ai cũng tự nhiên thấy rằng chỉ đốt một điếu thuốc mới là một hành động thích hợp, chứ bỏ một cục kẹo cao su vào miệng thì là một trọng tội.
Tôi không sành rượu, vậy không đủ tư cách để bàn về rượu. Tửu lượng của tôi rất kém: ba chén có khi chỉ có một cốc bia cũng say rồi. Đó là vấn đề thiên phú. Vài ông bạn của tôi tửu lượng rất cao mà hút chưa hết nửa điếu Vinataba đã thấy chóng mặt, còn tôi, hút suốt ngày cũng chẳng làm sao, mà rượu thì uống không được.
Tuy tôi không có tư cách uống rượu, nhưng không thể không nói về vấn đề đó vì rượu giúp cho giao lưu tình bạn còn hơn các vật khác nữa. Cái thú uống rượu, đặc biệt là cái thú “tiểu ẩm” (uống một li nhỏ). “Trong lúc nửa say, người ta nói huyên thuyên, nói hoài không ngừng; không có gì thú hơn, sướng hơn nữa”.
Cho nên không nên uống say mèm, chỉ nên ngà ngà say thôi. Đào Uyên Minh gẩy đàn cầm không dây mà vẫn thấy thú, thì người uống rượu cũng chỉ nên mượn rượu để mà vui. Quan trọng là cái vui chứ không phải rượu. Như vậy thì người tửu lượng kém cũng có thể hưởng thú uống rượu. “Có những người không biết chữ mà biết cái thú của thơ; có những người không biết tụng kinh mà biết cái thú của tôn giáo; có những người không biết uống một giọt rượu, mà biết cái thú của rượu; có những người không biết gì về đá, mà biết cái thú của họa”. Những người đó đều là tri kỉ của thi nhân, thánh hiền, ẩm giả và hoạ sĩ.
Mĩ nhân hơn hoa ở chỗ biết nói; hoa hơn mĩ nhân ở chỗ toả hương. Nếu không được cả hai thì bỏ hương mà lựa biết nói. Thường hoa đẹp thì không thơm, cánh nhiều tầng thì không thành trái.
Gọi là mĩ nhân thì mặt đẹp như hoa, tiếng nói như chim, tinh thần như trăng, vẻ như liễu, xương như ngọc, da như băng tuyết, dáng như nước thu, lòng như thơ, ta không còn chỗ nào chê cả.
Trong thiên hạ không có sách thì thôi, có thì phải đọc; không có rượu thì thôi, có thì phải uống; không có núi đẹp thì thôi, có thì phải tới chơi; không có hoa có trăng thì thôi, có thì phải thưởng ngoạn; không có tài tử giai nhân thì thôi, có thì phải mến yêu, thương tiếc.
Mùa xuân nghe tiếng chim, mùa hè nghe tiếng ve, mùa thu nghe tiếng trùng, mùa đông nghe tiếng tuyết; ban ngày nghe tiếng đánh cờ, dưới trăng nghe tiếng tiêu, trong núi nghe tiếng tùng, bên nước nghe tiếng sóng vỗ, như vậy sống thật không uổng. Mỗi tiếng có một cái thú riêng. Mọi thứ tiếng đều nên nghe xa, duy có tiếng đàn cầm là xa gần đều được.
Dưới trăng nghe tiếng tụng kinh (hay chuông chùa) thì cái thú càng sâu xa; dưới trăng mà bàn về kiếm thuật thì can đảm càng tăng; dưới trăng mà bàn về thi thơ thì phong thái càng tĩnh; dưới trăng mà đối diện mĩ nhân thì tình ý càng nồng.
Trong thiên hạ, được một tri kỉ, có thể không ân hận rồi.
Không có gì vui bằng nhàn, nhàn không phải là không làm gì. Có nhàn mới đọc được sách, mới đi coi được những thắng cảnh, mới giao du được với những bạn bè tri kỉ, mới uống trà, rượu được, mới chơi cờ nghe nhạc, thả diều được. Có cái vui nào lớn hơn vậy nữa?
Nói chuyện với bạn uyên bác như đọc sách lạ, nói chuyện với bạn phong nhã như đọc thi văn của danh nhân, nói chuyện với bạn nghiêm cẩn, đạo đức như đọc kinh truyện của thánh hiền, nói chuyện với bạn hoạt kê như đọc tiểu thuyết truyền kì.
Kẻ sĩ nên có bạn thân. Bạn thân bất tất phải là bạn thề sống chết có nhau. Thường thì bạn thân là bạn cách xa nhau trăm ngàn dặm vẫn có thể tin nhau, không nghe những lời người ta nói xấu về bạn. Việc nào nên làm, nên ngưng thì thay bạn mà mưu tính quyết đoán; hoặc những lúc lợi hại, giúp bạn mà không cho bạn biết, cứ hết lòng vì bạn mà không lo rằng bạn có hiểu mình không.
Tìm tri kỉ trong chỗ bạn bè là việc dễ, tìm tri kỉ trong chỗ thê thiếp là việc khó, tìm tri kỉ trong chỗ vua tôi càng khó nhất.
Diễn được những ý người trước chưa diễn mới là sách lạ; nói được những điều khó nói về vợ con, mới là bạn thân.
Ở thôn quê, có được bạn tốt thì mới thích. Người nông dân và tiều phu chỉ nói chuyện được về lúa má, mưa nắng, làm cho ta mau chán. Trong số bạn bè, người nào làm thơ, rồi người nào nói chuyện được, rồi người nào ca hát được, người biết những trò chơi trong xã hội… Tất cả những cái hay cái đẹp, cái thú của bạn bè làm cho tình bạn càng thêm đẹp đẽ.
Có thể đọc những cuốn sách không có chữ (chẳng hạn cuốn sách ngoài đời) thì mới nói được những câu kinh nhân; có thể hiểu những điều giảng không được thì mới thấu được cái huyền vi nhất của đạo Phật.
Một chữ “tình” để duy trì thế giới; một chữ “tài” để tô điểm càn khôn.
Thà bị tiểu nhân mắng chứ không muốn bị quân tử khinh; thà bị giám khảo đui đánh hỏng chứ không muốn bị một học giả danh tiếng không biết tới. Người nên giống một bài thơ, vật nên giống một bức hoạ.
Có những cảnh như rất u tĩnh mà thực ra thì tiêu điều, tức cảnh sương mù, cảnh mưa; có những tình cảnh như rất nhã mà thực ra rất khó chịu, tức cảnh nghèo khổ, đau ốm; có những tiếng nghe rất phong tao mà thực ra thì thô bỉ, như tiếng rao bán hoa. Cái gì cũng dễ quên, chỉ có lòng ham danh là khó quên.
Rượu có thể thay trà, trà không thể thay rượu; thơ có thể thay văn, văn không thể thay thơ; khúc có thể thay từ, từ không thể thay khúc; trăng có thể thay đèn, đèn không thể thay trăng; bút có thể thay lời, lời không thể thay bút; người ở gái có thể thay người ở trai, người ở trai không thể thay người ở gái.
Điều bất bình nhỏ trong lòng, uống rượu vào có thể tiêu được; điều bất bình lớn trong đời, không dùng gươm không thể dẹp được.
Đau, có thể chịu được; ngứa, không thể chịu được; đắng, có thể chịu được; chua, không thể chịu được.
Món ăn ngon mà nuốt cho mau hết, phong cảnh lạ mà đi chơi chỉ lướt qua, tình thâm mà diễn bằng những lời nông nổi, ngày đẹp mà chỉ nghĩ đến chuyện ăn uống; giàu có mà cư xử theo thói kiêu sa; tất cả những hành động đó đều là trái ý trời.
Hà nội, ngày 17/3/2011
Share this article :

Đăng nhận xét

 
Support : Creating Website | Johny Template | Mas Template
Copyright © 2011. MÂY NGŨ SẮC - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger